Thiết bị lò hơi đang được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong quá trình vận hành lò hơi có thể xảy ra một số sự cố không mong muốn. Dưới đây là những sự cố khi vận hành lò hơi và cách khắc phục cụ thể.
Sự cố thường gặp khi vận hành lò hơi và cách khắc phục
Cạn nước quá mức
Sự cố khi vận hành lò hơi đầu tiên có thể xảy ra là ống thủy sáng không còn nước mà khi quan sát chỉ còn một màu sáng óng ánh. Đồng thời, áp suất tăng nhanh, van an toàn bị tác động liên tục. Nếu mở cửa cho than thì sẽ thấy lửa trong lò cháy mãnh liệt, tường lò của buồng đốt nóng hơn bình thường.
Nguyên nhân:
- Người vận hành không theo dõi ống thủy để kịp thời cấp nước.
- Van xả đáy không kín.
- Bơm cấp nước bị hư hỏng, bơm vẫn chạy nhưng nước không vào lò hơi.
- Hệ thống ống cấp nước tắc nghẽn hoặc bồn chứa nước trung gian không đủ nước, bơm không có tác dụng.
Cách khắc phục sự cố lò hơi:
Thực hiện thông rửa ống thủy. Nếu thấy nước lấp ló ở chân ống thủy, nồi hơi chưa cạn nước tới mức nghiêm trọng.
Trường hợp này cần thực hiện cấp nước bổ sung phân đoạn kết hợp với việc xả đáy phân đoạn, đồng thời giảm thiểu cường độ đốt bằng cách giảm lượng dầu cấp cho béc đốt hoặc tắt hẳn béc đốt. Khi mực nước về vị trí trung gian của ống thủy sáng, cho lò hơi trở lại hoạt động.
Khi thực hiện thông rửa ống thủy mà không thấy nước trong ống thủy, mở nhanh van thấp nhất của ống thủy tối chỉ thấy hơi phụt ra thì lò hơi bị cạn nước nghiêm trọng. Trong trường hợp này tuyệt đối không cung cấp nước bổ sung, người vận hành cần nhanh chóng thực hiện các thao tác như:
- Đóng lá hướng khói và tắt quạt gió.
- Tắt béc đốt, dừng cấp dầu cho béc đốt.
- Đóng van hơi chính.
- Đóng các cửa tránh không khí lạnh lọt vào buồng tối.
Sau khi dừng lò hơi xảy ra sự cố, cần để thời gian cho nồi hơi nguội từ từ. Khi áp suất giảm xuống dưới mức làm việc bình thường thì cần kiểm tra các bộ phận liên quan, nhất là bề mặt tiếp nhiệt, sau đó tiến hành xử lý như trường hợp trên.
>>> Xem thêm: Quy trình vận hành lò hơi an toàn, hiệu quả
Nước đầy quá mức
Sự cố lò hơi đầy nước quá mức là do thiết bị điều khiển cấp nước không hoạt động, người vận hành không phát hiện kịp thời để xử lý.
Lò hơi đầy nước quá mức, đèn tín hiệu báo mực nước sẽ sáng đỏ. Khi quan sát ống thủy sẽ thấy ống đầy nước. Nếu quan sát đồng hồ đo áp suất sẽ thấy áp suất trong lò hơi giảm xuống từ từ. Nếu nghiêm trọng, còn có thể nghe thấy tiếng rung động do thủy kích trong đường ống.
Phương án xử lý cho sự cố khi vận hành lò hơi này là:
- Kiểm tra ống thủy: Đóng van cấp nước và mở van xả ống thủy để xả hết nước, sau đó đóng lại. Cuối cùng là mở van cấp nước.
- Nếu nước trong ống thủy vẫn đầy nước thì đóng van cấp nước, tắt bơm cấp nước. Sau đó thực hiện quy trình xả ống thủy đến vạch tối đa trên ống thì ngừng. Sau khoảng 3 phút tiếp tục thực hiện xả xuống mức trung bình, đóng van hơi chính và giật tay xả van an toàn.
- Lưu ý: Quá trình này cần giảm nhiệt độ buồng đốt cho đến khi ổn định, mở van hơi và cho lò hơi vận hành bình thường.
Áp kế tăng quá mức cho phép
Nguyên nhân của sự cố này chủ yếu do ống thủy và áp kế chịu ảnh hưởng của sự thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc va đập vật lý; do kỹ thuật lắp đặt không đúng làm ống thủy lệch tâm hoặc do xiết chặt quá không có không gian giãn nở. Cũng có thể là thời gian vận hành khiến ống thủy bị mài mòn. Khi bị vỡ sẽ nghe có tiếng nổ – vỡ của thủy tinh. Đồng thời nước, hơi sẽ phun ra. Để khắc phục sự cố này thì cần phải thay thế ống thủy và đồng hồ áp suất mới. Trước khi thay thế, cần ngừng hoạt động lò.
Nổ ống của phần trao đổi nhiệt
Khi xảy ra sự cố nổ lò hơi, hơi nước phun xuống buồng đốt, mực nước trong ống thủy giảm xuống nhanh. Nếu tình trạng nghiêm trọng sẽ xuất hiện tiếng động lạ trong lò hơi. Để khắc phục thì cần phải thực hiện quy trình kiểm tra và xử lý như sau:
- Dừng lò khẩn cấp.
- Dừng cấp nước vào lò.
- Tìm và thay thế đoạn ống bị thủng, nổ sớm nhất.
Cụm van nước cấp lò hơi hỏng
Nguyên nhân gây hỏng van cấp nước lò hơi có thể là do van không đáp ứng các điều kiện làm việc; vận hành lâu ngày bị bám cặn khiến bị kẹt hoặc bị oxy hóa gây hư hỏng. Sự cố này sẽ khiến nước nóng chảy ngược lại đầu bơm hoặc bơm vẫn vận hành nhưng nước không vào lò. Việc khắc phục sự cố này khá linh động. Tùy thuộc vào vị trí van hỏng và tình trạng hư hại mà có thể yêu cầu sửa chữa thay thế ngay hoặc tiếp tục quan sát đến khi bảo dưỡng lò hơi định kỳ.
>>> Xem thêm: Ứng dụng của lò hơi tại các hệ thống công nghiệp sản xuất, chế biến.
Sự cố hỏng van xả đáy lò hơi
Sự cố khi vận hành lò hơi này chủ yếu là do van bị tắc nghẽn, kẹt hoặc rò rỉ van xả. Khi đó, nước bị rỉ hoặc xì mạnh tùy thuộc vào mức độ hở của van hoặc bị kẹt không thể đóng mở được. Phương án xử lý trong trường hợp này thì chủ yếu là thay thế van xả mới, khắc phục và sửa chữa van cũ nếu có thể.
Bơm cấp nước lò hơi bị hỏng
Nguyên nhân khiến bơm cấp nước lò hơi bị hỏng khá đa dạng. Nếu bơm của lò hơi có những hiện tượng sau thì nên ngừng vận hành và gọi cho thợ sửa bơm đến hỗ trợ:
- Bật bơm nhưng không hoạt động.
- Hơi mở nhưng bơm không chạy.
- Bơm chạy nhưng nước không chảy vào lò.
Quạt điều tiết không khí lò hơi bị hỏng
Sự cố quạt điều tiết không khí lò hơn bị hư hỏng chủ yếu là do vận hành lâu ngày khiến cánh quạt bị hỏng, kẹt hoặc có thể là do nguồn điện bị chập cháy, thiếu pha.
Ngoài ra cũng cần kiểm tra xem đường dẫn gió có bị tắc hay thủng khiến gió không dẫn vào lò hay không.
Tổng kết
Trên đây là một số thông tin cơ bản về sự cố khi vận hành lò hơi như cạn nước, nước quá đầy, áp kế tăng, nổ lò hơi. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp các bạn nắm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và cách khắc phục hiệu quả. THP Valve khuyên bạn nên sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ để vệ sinh sạch cáu cặn, bẩn giữ và đảm bảo lò hơi luôn trong điều kiện tốt nhất.
Công ty TNHH Thương Mại Tuấn Hưng Phát chuyên cung cấp các thiết bị vật tư đường ống, van lò hơi như: van an toàn, van giảm áp, van cổng, van bi, van cầu hơi, đồng hồ đo áp suất, đồng hồ đo lưu lượng hơi nóng. Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng vui lòng liên hệ hotline để được tư vấn và báo giá.