Hệ thống ống thông gió có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông, trao đổi không khí giữa môi trường bên trong và bên ngoài, cung cấp không khí sạch cho không gian đó. Vậy hệ thống ống thông gió là gì? Cùng Vankhinen-THP tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Tìm hiểu chi tiết về hệ thống ống thông gió
Hệ thống thông gió có vai trò quan trọng trong hệ thống HVAC. Đây là một cấu trúc đường ống kết nối với nhau nhằm đảm bảo việc tuần hoàn không khí trong một không gian bằng cách lấy không khí từ bên ngoài vào. Hệ thống này phù hợp cho nhiều môi trường từ gia đình, nơi làm việc, đến văn phòng hay trung tâm mua sắm. Chức năng chính của hệ thống là loại trừ loại bỏ khói bụi, mùi hôi, hơi nóng, giúp kiểm soát nhiệt độ và cung cấp nguồn không khí trong lành.
Hệ thống ống thông gió được dùng để làm gì?
Hệ thống ống thông gió được sử dụng để:
- Cấp không khí tươi mát cho không gian làm việc: Trong không gian làm việc, con người và máy móc thiết bị có thể thải ra những chất độc hại. Khi trong một không gian khép kín, lượng chất gây hại này có thể tăng cao theo từng giờ, ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người. Việc lắp đặt hệ thống thông gió giúp cung cấp và đổi mới không khí cho môi trường đó.
- Thông gió khu vực vệ sinh: Khu vực nhà vệ sinh thường dễ tích tụ hơi ẩm, nấm mốc… Việc lắp đặt hệ thống thông gió giúp xua tan mùi không mong muốn và giảm bớt độ ẩm.
- Thông gió tầng hầm: Tầng hầm thường nằm ở vị trí dưới cùng của tòa nhà, là nơi dễ tích tụ khí và thường dùng để đỗ xe. Vì vậy, không khí ở đây có thể bị nhiễm bẩn bởi khí thải từ xe và khí radon. Việc lắp đặt hệ thống thông gió giúp cải thiện việc lưu thông không khí ở tầng hầm.
- Hút khói khu vực hành lang: Khi xảy ra hỏa hoạn, khói và nhiệt sẽ xuất hiện ngay từ lúc đám cháy mới xảy ra. Các cảm biến nhiệt và khói trong hệ thống phòng cháy sẽ gửi tín hiệu đến quạt gió. Quạt sẽ hoạt động ngay khi nhận tín hiệu, giúp đẩy khói ra ngoài thông qua ống thông gió. Cùng lúc đó, chuông và đèn báo cháy sẽ hoạt động, cảnh báo mọi người trong tòa nhà. Những người này cần nhanh chóng rời khỏi tòa nhà theo các lối thoát đã được chỉ định sẵn.
- Tăng áp cầu thang: Để bảo vệ tính mạng của những người trong khu vực cháy, việc tăng áp cầu thang là điều cần thiết. Hệ thống ống thông gió có tác dụng ngăn chặn khói và khí độc cách xa lối thoát hiểm để mọi người có thể dễ dàng thoát ra hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng của con người trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Lắp đặt hệ thống ống thông gió giúp tăng áp cầu thang hiệu quả.
Phân loại hệ thống ống thông gió phổ biến nhất hiện nay
Tùy theo thiết kế, mục đích và nhu cầu sử dụng, hệ thống ống thông gió được chia thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể:
Theo hướng chuyển động của gió
- Thông gió kiểu hút: Phương pháp thông gió kiểu hút hoạt động bằng cách hút không khí ô nhiễm ra ngoài và đưa không khí sạch từ ngoài vào phòng thông qua các khe hoặc cửa lấy gió. Nguyên tắc là sử dụng sự chênh lệch áp lực giữa bên trong và ngoài phòng. Ưu điểm của thông gió kiểu hút là loại bỏ trực tiếp không khí ô nhiễm mà không để nó lan ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, kiểu thông gió này cũng có một số nhược điểm, bao gồm việc tuần hoàn không khí trong phòng rất thấp hoặc gần như không có, không khí ngoài có thể dễ dàng xâm nhập vào phòng mà không thể kiểm soát được.
- Thông gió kiểu thổi: Phương pháp thông gió kiểu thổi hoạt động bằng cách đưa không khí sạch vào không gian thông qua các khe hở, áp dụng sự khác biệt về cột áp. Điểm mạnh của thông gió kiểu thổi là cung cấp luồng không khí sạch và gió cho phòng, phù hợp với những khu vực đông người hoặc có nhiệt độ cao. Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu thông gió này là dẫn đến gió thổi tràn ra mọi hướng, bao gồm cả những khu vực không mong muốn do áp suất trong phòng là dương.
- Thông gió kết hợp: Việc thông gió kết hợp bao gồm việc đưa không khí trong lành vào phòng và loại bỏ không khí ô nhiễm ra ngoài là phương pháp hiệu quả. Để áp dụng cách này, cần dùng đến hệ thống quạt thổi và hút. Mặc dù phương pháp này tận dụng được lợi thế từ cả hai hình thức thông gió kiểu thổi và kiểu hút, tuy nhiên chi phí cho phương pháp này thường cao hơn.
Theo động lực tạo ra thông gió
- Thông gió tự nhiên: Quá trình trao đổi giữa không khí bên trong và bên ngoài phòng thông qua sự chênh lệch áp suất. Sự khác biệt áp suất này thường xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai môi trường.
- Thông gió cưỡng bức: Quá trình thông gió này thực hiện bằng ngoại lực, có nghĩa là sử dụng quạt.
Theo phương pháp tổ chức
- Thông gió tổng thể: Thông gió cho toàn bộ không gian phòng hoặc toàn bộ công trình.
- Thông gió cục bộ: Thông gió cho một khu vực cụ thể hoặc các phòng có nhiều chất thải độc.
Theo mục đích
- Thông gió bình thường: Mục đích chính là loại bỏ các chất độc hại, hơi ẩm thừa, nhiệt thừa, cung cấp không khí tươi mát cho không gian.
- Thông gió sự cố: Hệ thống ống thông gió được lắp đặt tại nhiều công trình nhằm khắc phục sự cố.
+ Đề phòng trường hợp tràn hóa chất: Trong trường hợp sự cố, hệ thống thông gió được kích hoạt, đưa khí độc ra những khu vực được chỉ định trước hoặc thải ra ngoài.
+ Khi xảy ra hoả hoạn: Để chặn lửa xâm nhập vào cầu thang và lối ra, hệ thống thổi gió sẽ hoạt động, tạo ra áp suất dương ở khu vực đó, giúp mọi người thoát hiểm an toàn.
Phân loại theo kiểu lắp đặt
- Ống gió treo: Hệ thống ống gió thường treo trên các giá đỡ, đặt ở vị trí trên cao như trần nhà xưởng. Nên chọn loại ống có trọng lượng nhẹ, có khả năng chịu tác động của môi trường như ống tráng kẽm, ống inox.
- Ống gió ngầm: Hệ thống ống gió này thường đặt ngầm dưới đất, lắp đặt kèm theo đường ống nước hoặc điện để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên hiệu quả thông gió thấp và khó vệ sinh, phân phối gió không đều do tiết diện đường ống đều nhau từ đầu đến cuối. Do đó, hệ thống này chỉ làm đường ống gió hồi, không nên làm ống gió cấp.
Phân loại ống gió theo chức năng
- Ống gió thường: Thực hiện chức năng dẫn gió thông thường, có thể là đường ống gió tươi, ống hồi, ống hút …
- Ống gió tiêu âm: Ngoài chức năng dẫn gió thông thường thì ống gió tiêu âm còn thực hiện thêm nhiệm vụ giảm tiếng ồn trong quá trình không khí lưu thông, va đập vào thành ống gió
- Ống gió cách nhiệt: Là loại ống gió sử dụng hệ thống điều hoà công nghiệp với lớp xốp bọc bảo ôn bên ngoài, có khả năng cách nhiệt tốt.
- Ống gió chống cháy: Là hệ thống ống gió EI cần bảo đảm các giới hạn chịu lửa nhất định theo quy chuẩn mới nhất về an toàn cháy cho nhà ở và công trình.
Thành phần cấu tạo của hệ thống thông gió
Hệ thống ống thông gió có cấu tạo bao gồm nhiều thành phần với các chức năng riêng biệt.
- Ống gió và phụ kiện ống gió: Sản xuất từ tôn mạ kẽm, inox… với hai dạng chính là vuông và tròn.
- Ống gió mềm: Có cấu tạo bởi ống nhôm bọc 2 lớp bên ngoài, kèm theo dây thép tăng cứng, ở giữa có lớp bông thủy tinh cách nhiệt tỷ trọng cao, giúp tăng độ đàn hồi, khả năng chịu lực kéo và chịu áp cao.
- Quạt: Bộ phận này đóng vai trò quan trọng hệ thống ống thông gió, giúp lưu thông và thải khí. Quạt có hai loại chính là hướng trục và quạt li tâm.
- Cửa gió: Đây là phụ kiện thông gió phổ biến, thường dùng trong hệ thống thông gió cửa nan T, nan bầu dục và cửa ngoài trời. Cửa gió có thiết kế bao gồm cửa gió louver và các loại khác.
- Van gió giúp điều chỉnh lượng gió, bao gồm van điều chỉnh lưu lượng và van chống cháy….
Bên cạnh các bộ phận chính trên, hệ thống ống thông gió còn có: Cổ bạt, các loại cảm biến khói, cảm biến chênh áp, cảm biến CO2, hệ thống lọc bụi…
Kỹ thuật lắp đặt hệ thống ống thông gió tiêu chuẩn
Hệ thống ống thông gió đảm bảo việc lưu thông, trao đổi không khí giữa môi trường bên trong với bên ngoài, cung cấp nguồn không khí chất lượng cao cho không gian. Dưới đây là kỹ thuật lắp đặt hệ thống thông gió đạt tiêu chuẩn.
Các bước cơ bản cần nắm rõ khi thiết kế hệ thống ống gió
Khi thiết kế hệ thống đường ống dẫn gió, bạn cần lưu ý một số bước quan trọng:
- Xác định lượng gió cần thổi và hút để chọn quạt thông gió tương ứng.
- Lập sơ đồ cho hệ thống đường ống, xác định vị trí lắp đặt hợp lý. Trong trường hợp không gian không đủ, nên điều chỉnh kích thước của cửa gió, hạn chế việc đặt quá nhiều cửa trên một đoạn ống.
- Đối với tầng hầm, sử dụng quạt dành riêng cho tầng hầm để giảm lượng khí bẩn.
Các yêu cầu trong lắp đặt hệ thống ống gió
Hệ thống ống thông gió cần được bố trí một cách khoa học và hợp lý. Các lối ra vào của hệ thống nên được đặt ở những vị trí thích hợp giúp việc kiểm tra và bảo dưỡng dễ dàng hơn. Các ống hơi có thể lắp đặt song song với các cấu trúc khác trong tòa nhà.
Để hệ thống đường ống thông gió hoạt động hiệu quả, không gian lắp đặt cần tuân thủ các yêu cầu sau: cách nhau 25mm đối với các ống đặt gần nhau, 25mm giữa bề mặt kín với ống thông hơi khác và sàn, 50mm giữa ống và các máng cáp điện, 150mm giữa ống và mặt đất (nếu ống được treo dưới sàn).
Khi tiến hành lắp đặt, cần giữ cho ống luôn sạch và loại bỏ mọi vật liệu thừa trong ống.
Trên đây là một số thông tin về hệ thống ống thông gió là gì. Trong hệ thống HVAC, hệ thống thông gió là một yếu tố cần thiết. Hệ thống này giúp cung cấp không khí sạch, góp phần tạo nên một không gian sống và làm việc thông thoáng. Để hệ thống hoạt động hiệu quả, việc thiết kế, lắp đặt và bảo dưỡng phải thực hiện đúng cách.
>>> Có thể bạn quan tâm: Hệ thống hút khói hành lang tòa nhà, nhà xưởng có cần thiết